Giá dầu tiến sát 100 USD tác động đến thế giới như thế nào

0
522

Căng thẳng Nga – Ukraine gần đây kéo giá dầu thô WTI và Brent lên 94 USD và 95 USD một thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 giá dầu thô thế giới tiến sát 100 USD một thùng, đe dọa triển vọng tăng trưởng và kéo cao lạm phát toàn cầu.

Sự kết hợp này rất đáng lo ngại với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác, trong bối cảnh họ phải kiềm chế áp lực lạm phát mạnh nhất nhiều thập kỷ mà không kéo tụt đà phục hồi trong đại dịch. Nhóm 20 quan chức tài chính các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp tuần này, với lo ngại lớn nhất là lạm phát.

Thế giới chịu tác động mạnh

Trong khi các nước xuất khẩu nhiên liệu có thể hưởng lợi từ sự tăng giá này, phần còn lại của thế giới sẽ chịu tác động mạnh. Chi phí với các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tăng cao. Giá thực phẩm, vận tải và sưởi ấm sẽ đắt đỏ hơn.

Diễn biến giá dầu thế giới thời gian qua.
Diễn biến giá dầu thế giới thời gian qua.

Theo nghiên cứu của Bloomberg Economics, giá dầu lên 100 USD cuối tháng này sẽ kéo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên 0,5% nửa cuối năm nay. JPMorgan Chase cũng cảnh báo giá lên 150 USD sẽ gần như chặn đứng tăng trưởng toàn cầu và kéo lạm phát lên hơn 7% – cao gấp 3 mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

“Cú sốc giá dầu đang thổi phồng lo ngại lạm phát”, Peter Hooper – quan chức Fed kỳ cựu nhận định, “Khả năng tăng trưởng toàn cầu chậm lại là rất cao”.

Mức tăng hiện tại là rất cao

Giá dầu thô hiện cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nguyên nhân là nhu cầu đi lại trên toàn cầu tăng cao sau khi bỏ phong tỏa, rủi ro địa chính trị từ Nga – Ukraine và nguồn cung bị thắt chặt. Thi thoảng, thị trường hạ nhiệt khi triển vọng thỏa thuận hạt nhân với Iran có tiến triển.

Dù vậy, mức tăng vẫn là rất cao. Chỉ mới 2 năm trước, giá dầu còn có thời điểm xuống âm. Giá nhiên liệu hóa thạch, như dầu, than đá và khí đốt, hiện đóng góp hơn 80% năng lượng cho toàn cầu.

Việc thiếu hụt nhiên liệu càng làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang kéo giá lên cao và trì hoãn việc giao nhận nguyên liệu thô cũng như thành phẩm. Vivian Lau – giám đốc một công ty logistics tại Hong Kong cho biết khách hàng của bà đang theo dõi sát tình hình giá nhiên liệu tăng.

“Giá dầu chắc chắn là một mối lo ngại”, Lau – Phó chủ tịch Pacific Air Holdings nhận định, “Việc này xảy ra trong bối cảnh phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vốn đang rất cao”.

Đánh giá tình hình

Các nhà kinh tế học cũng đang vạch ra nhiều kịch bản. Goldman Sachs cho rằng giá dầu có thể lên 100 USD trong quý III. Họ ước tính giá tăng 50% sẽ kéo lạm phát lên trung bình 0,6%. Chịu ảnh hưởng nặng nhất sẽ là các nền kinh tế mới nổi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng nâng dự báo lạm phát toàn cầu lên 3,9% tại các nước phát triển năm nay. Con số này cao hơn so với 2,3% và 5,9% tại các nước mới nổi và đang phát triển.

“Khi lạm phát hiện ở mức cao nhất nhiều thập kỷ, giá năng lượng tăng sẽ là đòn giáng lên sự phục hồi của kinh tế toàn cầu”, các nhà kinh tế học tại HSBC nhận định trong báo cáo đầu tháng này.

Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đến nay vẫn có lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế này sẽ chịu tổn thương khi các hãng sản xuất đang ghi nhận chi phí đầu vào cao và lo ngại thiếu nhiên liệu.

Khi áp lực giá cả cao hơn dự tính, các ngân hàng trung ương hiện ưu tiên đối phó lạm phát hơn là hỗ trợ nhu cầu. Lạm phát tháng 1 của Mỹ đã lên cao nhất 4 thập kỷ, khiến mọi lĩnh vực bị xáo trộn. Việc này càng làm tăng dự báo Fed nâng lãi suất tới 7 lần năm nay.

Tình hình trong tương lai

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey tháng này bảo vệ quyết định nâng lãi bằng lý do “giá nhiên liệu cao”. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây cũng cho biết sẽ “đánh giá cẩn thận” giá năng lượng tác động thế nào đến nền kinh tế, đồng thời ra tín hiệu thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng coi giá dầu là một rủi ro.

Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics ước tính giá dầu cứ tăng 10 USD, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1% năm sau đó. Trước khi công nghệ khai thác dầu đá phiến xuất hiện, mức giảm là 0,3% – 0,4%.

Dù vậy, kinh tế thế giới không còn quá phụ thuộc vào dầu như vài thập kỷ trước nữa. Nhiều dạng năng lượng mới cũng đã xuất hiện. Tại Mỹ, sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu đá phiến cũng đồng nghĩa nền kinh tế ít chịu tổn thương vì các cú sốc nhiên liệu. Dù người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn để mua xăng, các hãng sản xuất dầu Mỹ lại kiếm khá hơn.

Nhiều nước sản xuất dầu khác cũng có lý do để ăn mừng. Ví dụ, ngân sách Nga sẽ có thêm hơn 65 tỷ USD năm nay, giúp nước này chống chịu tốt hơn nếu phải chịu các lệnh trừng phạt vì Ukraine. Các nước như Canada hay khu vực Trung Đông cũng hưởng lợi.

Lời kết

Tuy nhiên, với phần lớn người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương, ảnh hưởng sẽ còn phụ thuộc vào việc giá sẽ tăng nhanh cỡ nào và duy trì trong bao lâu, đặc biệt nếu các nền kinh tế mất đà.

“Giá tăng nhanh, liên tục có thể đẩy một số quốc gia vào rủi ro suy thoái, đặc biệt nếu chính sách tài khóa bị thắt chặt rõ rệt”, Priyanka Kishore tại Oxford Economics nhận định, “Tôi chỉ hy vọng đây không phải là giọt nước tràn ly”.

Về trang chủ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here