Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) đã giảm tới 2,8% trong sáng nay. Topix giảm 2,19%. Hiện tại, mức giảm đã thu hẹp xuống còn 2% và 1,5%. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 2,6% trong giao dịch sớm. Chỉ số này hiện giảm 1,5%. Thị trường Trung Quốc mới mở cửa cũng không thoát khỏi xu thế. Shanghai Composite hiện giảm 0,6%. Shenzhen Composite giảm 1%. Chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) hiện giảm 2,2%.
Hàng loạt thị trường khác như Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore và Philippines cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản hiện giảm 1,1%. Chứng khoán châu Á diễn biến tương tự như chứng khoán Mỹ qua đêm. Lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.
Chỉ số Dow kết thúc ngày 13/9 giảm 1.276 điểm, tương đương 3,94%, ở mức 31.104. S&P 500 giảm 4,32% xuống 3.932. Nasdaq Composite giảm tới 5,16%. Đây là giao dịch tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ tháng 6 năm 2020. Scott Rundell, Giám đốc đầu tư tại Mutual Limited, cho biết: “Thị trường đã phản ứng quá mức với dữ liệu lạm phát và tôi nghĩ rằng nó có một chút khác biệt. Các thị trường tài chính hiện đang đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng tới.
Mặc dù vậy, xác suất để tăng 100 điểm cơ bản (1%) hiện là 33%. Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la vẫn vững chắc so với rổ tiền tệ chính. Chỉ số đô la Mỹ tăng 1,4% qua đêm sau báo cáo lạm phát của Mỹ. Hiện tại, đồng tiền này đang giao dịch quanh mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yên Nhật.