Mỹ và phương Tây ngày càng mâu thuẫn về việc có nên tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn để chống lại Nga trong cuộc xung đột kéo dài 100 ngày không có dấu hiệu sớm kết thúc hay không.
Theo “Wall Street Journal” (WSJ) của Mỹ, phương Tây được chia thành hai loại, một là các nước Tây Âu như Pháp và Đức, hai là Mỹ, Anh và các nước trung và bắc Âu. Các phe phái Tây Âu do Pháp và Đức dẫn đầu ngày càng không muốn cung cấp cho Ukraine vũ khí tấn công tầm xa, mà Kyiv tuyên bố là cần thiết để chiếm lại các phần lãnh thổ từ tay lực lượng Nga.
Pháp, Đức theo phe “dĩ hòa vi quý”
Pháp và Đức cho rằng bất chấp xung đột ở Ukraine, Nga không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho liên minh NATO. Mặt khác, Mỹ, Anh và một số nước Trung và Bắc Âu coi hành động quân sự của Nga là dấu hiệu cho thấy Moscow muốn mở rộng ảnh hưởng. Các nước này coi Ukraine là mặt trận chính trong cuộc đối đầu lớn hơn giữa phương Tây và Nga.
Sự chia rẽ giữa hai nhóm trở nên rõ ràng hơn khi quân đội Ukraine liên tục bị đẩy lùi ở khu vực Donbas, và tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) về cuộc xung đột ở Ukraine vào tuần trước.
EU vẫn đồng ý về vòng trừng phạt thứ sáu chống lại Nga, nhưng quan điểm vẫn còn chia rẽ về cuộc xung đột và cơ hội chiến thắng của Ukraine. Pháp và Đức đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình. Berlin và Paris kêu gọi Kyiv chấp nhận các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Một số quốc gia Tây Âu khác không muốn xảy ra một cuộc xung đột kéo dài mà Ukraine khó có thể giành chiến thắng. Xung đột kéo dài có nguy cơ rút cạn tài nguyên của châu Âu, khiến các nước châu Âu có nguy cơ suy thoái.